Bái Đính cổ tự - ngôi chùa trứ danh đất Ninh Bình
Bái Đính cổ tự đã có từ vài trăm năm trước và cho đến nay khi khu chùa mới có quy mô hoành tráng cũng không làm mất đi sức hút của nó.
Bên cạnh khu chàu Bái Đính mới, núi Bái Đính còn có một ngôi chùa cổ rất linh thiêng. Chưa đến với chùa cổ Bái Đính có nghĩa là bạn chưa đến với Bái Đính.
I. Bái Đính cổ tự
Bái Đính cổ tự nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía nam. Chùa cổ là nơi tồn tại rất nhiều giai thoại và huyền thoại về đức thánh Nguyễn Minh Không được truyền lại qua nhiều đời về công đức của ông. Ngôi chùa được Đức Thánh lập nên vào thời nhà Lý khi ngài về đây để chữa bệnh cho vua.
Bái Đính cổ tự là nơi tồn tại rất nhiều giai thoại về đức thánh Nguyễn Minh Không
Đã gần 1000 năm trôi qua, chùa vẫn còn lưu lại nhiều nét kiến trúc của thời nhà Lý. Với thời gian, ngôi chùa cổ vẫn còn đó như minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo Phật trong đời sống tâm linh người Việt. Qua những năm tháng lịch sử, chùa Bái Đính cổ vẫn còn những hạng mục như: động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn.
Trải qua nhiều năm lịch sử, Bái Đính cổ tự vẫn còn nhiều hạng mục
Khác với kiến trúc khu chùa mới, khu Bái Đính cổ không có những mái nhà cong vút, và những cột trụ lớn hay sự nguy nga lộng lẫy. Nhưng thay vào đó, khu chùa cổ được xây dựng theo lối kiến trúc chùa động phổ biến ở Ninh Bình. Toàn bộ những điện thờ tại chùa được đặt trong động u minh càng làm tăng thêm không khí linh thiêng trong chùa.
Chùa có lối kiến trúc chùa động phổ biến ở Ninh Bình
Để lên thăm khu chùa cổ trên núi phải trải bước qua 300 bậc đá, qua cổng Tam quan ở lưng chừng núi. Khi lên tới ngã ba, bên trái là hang sáng thờ Phật và Thần, bên phải là hang tối thờ Mẫu và Tiên. Động dài 25m, rộng 15m, nền và trần động bằng phẳng. Đi đến cuối động là một thung lũng xanh hiện ra và tiếp tục đi xuống bậc đá là đền thờ thần Cao Sơn. Động Tối lớn hơn hang sáng với 7 buồng có đá trên cao, các hang ở dưới và đều thông qua nhiều ngách đá. Trong động tối có giếng ngọc được tạo thành từ nước lạnh trên trần động rơi xuống.
Đường đến Bái Đính cổ tự trải qua nhiều bậc đá
Như vậy, có thêm động thờ Mẫu, đỉnh non thần Bái Đính thêm một nhân vật thờ mới, một tín ngưỡng dân gian mà nhân dân ta vô cùng sùng vọng, tạo thêm không gian linh thiêng, hoàn hảo, giao hòa tín ngưỡng thờ Phật-Thần-Tiên trong không gian tâm linh của Bái Đính cổ tự, tạo nên không gian lễ bái “không không-sắc sắc-Tiên-Thần-Phật” mỗi dịp hội về trên đỉnh danh lam.
Động thờ Mẫu
Chùa Bái Đính cổ khẳng định tâm thức dân gian, thể hiện văn hóa dân tộc không thể thiếu trong đời sống văn hóa làng xã, chiếm một vị trí khá đặc biệt và quan trọng trong di sản văn hóa Việt Nam.